1. Cách chọn cá biển tươi
Thịt cá: Những con cá thân cứng, thịt chắc, ấn vào có sự đàn hồi, khi dùng tay ấn sâu vào thân cá, khi bỏ tay, vết lõm nổi lên ngay.
Mắt cá: Cá tươi mắt sẽ lồi và trong suốt, giác mạc đàn hồi. Mắt cá ươn sẽ lõm vào trong hốc, có màu đục và giác mạc mắt nhăn nheo, thậm chí rách nát.
Mang cá: Cá tươi có mang màu đỏ hồng, dính chặt với hoa khế, không nhớt, không có mùi hôi. Trong khi đó mang cá ươn màu xám, không dính chặt với hoa khế, có nhớt, có mùi hôi.
Miệng cá: Ngậm kín, còn cá ươn miệng hé mở.
Bụng cá: Bụng của cá biển tươi rắn chắc, vẫn còn nguyên vẹn. Còn bụng cá ươn sẽ bị bục hoặc rách và nhũn nhẽo.
2. Động vật không xương (thân mềm): Bạch tuộc, mực
Mắt mực: Mắt rất sáng và trong veo đến mức bạn có thể nhìn rõ được con ngươi bên trong. Mắt mực đục và mờ là mực không tươi.
Thân mực: Dùng ngón tay ấn vào thân mực. Mực tươi có thịt săn chắc và có độ đàn hồi cao, khi ấn vào và thả tay ra thì thịt đàn hồi về trạng thái ban đầu.
Râu mực: Mực tươi có râu còn đầy đủ xúc tu, săn chắc và dính chặt với thân mực.
Tương tự như cách chọn mực tươi nhưng khi chọn bạch tuộc bạn cần lưu ý thêm về một chút:
– Màu sắc của bạch tuộc tươi là màu nâu xám và ánh màu xanh.
– Phần thịt bên dưới có các thớ thịt màu trắng sáng. Nếu đã đông lạnh lâu thì bạch tuộc sẽ có màu trắng ngà, trắng đục.
3. Động vật có vỏ: Nghêu, sò, ốc, hàu
Mùi: Mùi đặc trưng như bùn, sình, không có mùi thối khó chịu. Khi hải sản bước vào giai đoạn phân hủy thường sẽ bị ruồi bu rất nhiều. Nên tránh chọn sò, ốc khi bạn thấy hiện tượng này vì một con sò khi chết sẽ nhanh chóng làm chết cả bầy.
Vỏ: Khi bạn chạm tay vào phần vỏ sò hoặc mài ốc đang mở thì chúng nhanh chóng khép lại.
Thịt sò, ốc: Mập mạp, thịt trắng trong. Nếu thịt đỏ, kết cấu xẹp hay mềm nhũn thì đừng mua.
4. Động vật giáp xác: Tôm, cua…
Cách chọn tôm tươi
Vỏ tôm: vân sọc trên vỏ vẫn còn rõ. Tôm còn bật nhảy được là tôm tươi.
Đầu, râu, chân tôm: còn nguyên vẹn và dính chặt trên thân tôm.
Thân tôm: săn chắc không bị mềm nhũng hay xẹp. Bạn kéo căng đầu và đuôi tôm để coi các khớp trên vỏ. Nếu các khớp càng rộng thì tôm càng kém tươi.
Cách chọn cua ngon, chắc
Cua tươi sống là càng và chân còn đầy đủ.
Xem càng: Xem màu lớp da lụa (da non) giữa kẹt khuỷu (cùi chỏ) trên càng cua. Nếu lớp da này màu hồng đỏ hoặc hồng sậm thì cua nhiều thịt. Cua mới bắt thì lớp da này thẳng bóng, đó là cua mập. Ngược lại, cua cũ sẽ ốm do bị rọng lâu ngày, lớp da này nhăn nheo.
Bóp yếm: Cảm thấy cứng tay là cua chắc. Ngược lại, bạn nghe mềm (phập phều) thì cua ít thịt (ốp).
Bóp phần đầu đùi của que dầm bơi, phía dưới mu: Bóp vừa tay, nếu bạn thấy cua giãy giụa toàn bộ que, càng thì cua còn khỏe (thịt ngon). Ngược lại, cua đã yếu – sắp chết.
Không nên chọn cua nhìn càng và mai trông hơi xanh, ấn tay và yếm thấy mềm là loại cua mọng nước, ít thịt, không ngon
Cách chọn cua thịt và cua gạch:
Cua đực (cua Y, cua thịt). Cua cái (cua gạch, cua yếm vuông). Cua gạch thì vừa có thịt, vừa có gạch son béo bùi. Người sành ăn thì lại thích ăn cua yếm vuông, vì thịt thì chắc như cua thịt, có gạch giá (màu xanh/ đen) béo ngậy, không ngán như gạch son và đặc biệt là giá rẻ hơn cua gạch
Có thể phát hiện quá trình ươn hỏng của hải sản bảo quản đông đá và chia thành các giai đoạn:
Giai đoạn 1: Cá có vị tươi ngon, ngọt, có mùi của tảo biển. Vị tanh rất nhẹ của kim loại
Giai đoạn 2: Mất mùi đặc trưng, pH của cá trở nên trung tính nhưng cấu trúc cơ thịt vẫn còn tốt, không có mùi lạ.
Giai đoạn 3: Có dấu hiệu ươn hỏng như quá trình yếm khí tạo ra các hợp chất bay hơi, khó chịu như mùi khét, mùi chua lên men, mùi lưu huỳnh và mùi hơi đắng. Cấu trúc hải sản hoặc trở nên nhão nhoét, sũng nước hoặc khô cứng.
Giai đoạn 4: Trong quá trình phân hủy và hải sản ươn thối
Tránh chọn hải sản ở giai đoạn 3 và 4 vì hài sản ươn vừa không ngon vừa tiềm ẩn nguy cơ gieo rắc những mầm bệnh nguy hiểm.
Nguồn: https://afamily.vn/mua-he-di-bien-thi-phai-thuoc-nam-long-cac-quy-tac-chon-hai-san-nay-de-luon-duoc-an-tuoi-ngon-20200717175746679.chn