Trong những giác quan gợi nhớ đến ký ức xa xưa, người ta thường hay nói đến khứu giác, đến mùi hương: “hương cau quê mẹ”, “hương gió đồng quê”… Nhưng M. Proust chỉ ra rằng chính vị giác gợi nhớ nhiều hơn tất cả, vị ngon của miếng bánh hồi ấu thơ khiến nhà văn nhớ lại cả một quãng dài đời mình, làm nên kiệt tác khổng lồ Đi tìm thời gian đã mất

Qua phát kiến của nhà văn lớn, tôi nghiệm ra mình cũng giống như vậy. Mỗi lần ăn phở, nhai miếng rau quế, tôi nhớ đến cái gì đó rất xưa không biết từ đâu, kỷ niệm gì, các giác quan khác xóa nhòa hết chỉ còn vị giác. Tôi cũng nhớ vị miếng cá lóc kho nhai kỹ trong miệng, chắc hồi nhỏ má tôi hoặc chị vú nhai cơm mớm cho tôi, độ một – hai tuổi không hơn, hồi xưa người nhà quê thường mớm cơm cho trẻ con như thế.

Chuyện ăn uống cũng như thời trang không có chuyện hay dở, gu từng người, từng quốc gia làm phong phú thêm nền ẩm thực chung thế giới. Đây là tôi nói chuyện ăn uống của tôi, vùng đồng bằng sông Cửu Long, người Nam Bộ, góp vào nền ẩm thực chung của cả nước.

Thời thơ ấu, tôi có nhiều năm sống ở Sài Gòn, nhưng lại nhớ nhiều hơn những năm tháng sống ở quê. Hương vị các món ăn cũng thế và càng về già, người ta càng có xu hướng “về nguồn”, ngại ăn thịt, chỉ thích ăn cá, không chịu nổi các món ăn dầu mỡ bày biện hoa mỹ ở các nhà hàng khách sạn, thích tự nấu ăn lấy, coi việc chế biến các món ăn là một thú vui, một nghệ thuật, như trồng cây, nuôi cá kiểng. Người Việt mình thật lạ, gần Trung Quốc nên bị ảnh hưởng nhiều thứ, văn thơ đình chùa miếu mạo, nhưng món ăn thì khác hẳn, cơ bản là thanh và trong, không nặng và đậm như của nước bạn láng giềng. Tôi có dịp sang Trung Quốc, hằng ngày sau giờ làm việc, ghé ăn trưa – ăn chiều. Chỉ là bữa ăn thông thường cũng hơn mười món, thịt cá ê hề đầy dầu mỡ, sau hơn mười ngày, người tôi nổi ngứa khắp cả. Tôi tin rằng nhiều anh em mình cũng vậy. Trung Quốc là bậc thầy về nấu ăn, nhưng với tôi, chỉ nên lâu lâu thưởng thức một lần, còn thì “kính nhi viễn chi”.

Đất Nam Bộ là đất mới, món ăn còn dấu vết của những người khai phá, nhanh chóng tạm bợ, không phải bày trên đồ thủy tinh sành sứ mà trên lá chuối, lá sen, ngồi chồm hổm ở bờ đìa: cá lóc nướng trui, cá rô kho bầu, bò nướng ngói, gà bọc đất sét vùi trong tro bếp, cá linh non bông điên điển… Một ông bạn già nói: “Rắn nước thảy nguyên con vô đống un, lấy ra bẻ khúc chấm muối ớt ngon hơn lạp xưởng”.

Người Nam Bộ thích ăn rau sống, mỗi bữa ăn đều phải có một đống lớn rau thơm đọt bằng lăng, đọt chiếc, đọt dừng, cải xanh, rau cần nước, hẹ nước, đủ thứ rau đồng, rau rừng cây lá có thể ăn được, không đáng giá gì không dĩa nào đựng hết nên để thẳng lên mặt bàn lót tàu lá chuối, là món ăn cũng là để trang trí, làm đẹp, tạo vẻ tươi mát cho bàn ăn. Có câu chuyện tiếu lâm chế giễu người hàng xóm háo ăn, ghé qua thấy nhà bên đang ăn cơm, nói dèm: “Ủa có ớt hả? Vậy cho tham gia chén cơm coi!”. Đúng là háo ăn, nhưng một phần trái ớt đỏ đặt giữa mớ rau xanh chào mời gây thèm ăn thiệt!

Nhà văn Pháp thế kỷ thứ 19 A. France trong cuốn Quyển truyện của bạn tôi, có nhận xét rằng cái đẹp đối với trẻ thơ đồng nghĩa với cái ăn, trung tâm mọi giác quan là miệng, trẻ nít vài ba tháng tuổi vớ được cái gì hay, đẹp đều đưa vô miệng. Một nhận xét thật tinh tế. Bà nội tôi hồi xưa là người nhà quê, không biết chữ, chưa từng ra thành phố, chưa biết con ngựa, ngày lễ Tết con cháu tề tựu, bà biểu lộ tình thương yêu chỉ có cho ăn, luôn miệng hối con cháu ăn món này món nọ. Bà nội tôi không biết biểu lộ tình thương yêu bằng cách nào khác hoặc chuyện ăn uống, ngoài “cái đẹp” như nhà văn A. France nói, còn biểu lộ cả “cái tình”?

Ngày lễ, Tết, bà nội tôi làm heo đãi khách, có khi làm cả con bò, khách khứa nườm nượp, mâm cỗ dọn ra từ sáng tới chiều. Bà nội lấy cớ là chủ nhà không ngồi vô bàn nào. Thật sự tôi biết bà không ăn cỗ bao giờ, làm tiệc chỉ đãi khách, lát sau vắng người, bà ra sau nhà, cô Út tôi dọn mâm cơm với mẻ cá kho tộ, dĩa rau luộc có tô nước luộc rau cạnh bên, bà ngồi chồm hổm ăn, có khi còn lấy tay bốc. Chỉ vậy thôi, hoặc thêm miếng khô nướng, không cá kho tộ thì chén nước mắm chua dầm con cá rô nướng. Đó là bữa ăn thường ngày của bà, ít khi nào bà ăn thịt, chỉ ăn cá, có bữa không có thịt cá gì cả, tôi ngạc nhiên thấy bà ăn cơm với trái chuối chín!

Giờ đây, tôi cũng già như bà nội tôi, không hề có ý muốn bắt chước, tự nhiên thấy mình ăn uống giống bà, canh chua lươn, cá rô kho tộ, rau muống luộc chấm chao, khô cá lóc nướng chấm nước mắm me, cá lưỡi trâu muối lạt chiên giòn… Tất nhiên thôi, đâu còn bụng dạ nào ăn thịt mỡ nữa, có việc phải tiệc tùng, ăn chút ít lấy lệ, tối về ăn chén cháo trắng hột vịt muối. Ăn uống đạm bạc, bụng dạ nhẹ nhàng, đầu óc còn rảnh rang suy nghĩ chuyện này chuyện nọ.

Ngẫm ra, như người ta nói, cái bụng dính tới cái đầu là ở chỗ đó.

Lê Văn Thảo



Nguồn: http://vietbao.vn/Tet/Mui-vi-que-huong/62214375/364/